Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi

Năm 2025 tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của các công nghệ mới như AI, công nghệ chuỗi khối và lượng toán điện tử. Các mã độc sẽ có khả năng tự nâng cấp, công nghệ DeepFake được cải tiến và các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng AI tạo sinh để tạo các nội dung giả mạo tinh vi, khó lường hơn

Sự phát triển của các công nghệ mới tạo điều kiện cho làn sóng lừa đảo mới, trong đó nạn nhân bị tống tiền bởi các hình ảnh, video của họ hoặc gian lận danh tính thông qua các hình ảnh kỹ thuật số. Điều này đã trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.

Tại Việt Nam, theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến năm 2024 ước tính lên đến 18.900 tỷ đồng. Thống kê cũng cho thấy 0,45% người dùng mạng là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến với nhiều hình thức như: cho vay tiền qua ứng dụng, tuyển dụng việc nhẹ lương cao, tạo các chương trình khuyến mãi giả…

Lời khuyên chuyên gia tránh lừa đảo trực tuyến
Ôg Nguyễn Thành Danh, Phòng An ninh mạng, Công ty cổ phần An ninh mạng SCS

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thủ đoạn lừa đảo đăng nhập sai mật khẩu tài khoản ngân hàng từ đó liên hệ để đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Phân tích rõ hơn về tình trạng này, ông Nguyễn Thành Danh, Phòng An ninh mạng, Công ty cổ phần An ninh mạng SCS (SafeGate) cho biết: Điểm chung của các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến là kẻ lừa đảo thường đánh vào tâm lý của người dùng bằng cách tạo ra những tình huống cấp bách khiến chúng ta không có thời gian để nhận định sự việc này đúng hay không.

Làm gì để không sập bẫy lừa đảo trực tuyến?

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, trong năm 2024 cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trên mạng.

Cơ quan này cũng nêu có tới hơn 70% người dùng từng nhận được lời mời tham gia tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc; 62,08% người dùng cho biết gặp phải các cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức (công an, toà án, thuế, ngân hàng…) để thúc giục cài phần mềm hoặc đe doạ phải chuyển tiền để chứng minh trong sạch do liên quan vi phạm pháp luật. Hơn 60% nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mãi cao nhưng thông tin rất mập mờ, bất thường.

Theo chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Thành Danh: Có một số dấu hiệu để người dùng có thể nhận diện và phòng tránh các chiêu trò lừa đảo trực tuyến. Theo đó, khi nhận được các cuộc gọi hoặc cảnh báo, người dùng cần kiểm tra lại các đường dẫn này có trùng khớp với các ngân hàng bạn đang sử dụng hay có tên miền hoặc các ký tự khác biệt trong đường dẫn hay không. Nếu có sự khác biệt, đây sẽ là dấu hiệu đầu tiên của một cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo.

Ngoài ra, để tránh sập bẫy lừa đảo trực tuyến, người dùng cũng nên áp dụng nguyên tắc 3 không khi giao dịch trên mạng.

▪️ Không gửi mã OTP của mình cho người lạ. Kẻ tấn công có thể chiếm đoạt tài khoản của chúng ta nhưng khi không có mã OTP thì chúng sẽ không thể thực hiện được các giao dịch tiếp theo.

▪️ Không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc.

▪️ Không tin tưởng bất kì ai trên mạng xã hội. Kẻ lừa đảo có thể sử dụng AI để mạo danh người thân của bạn.

Xu hướng năm 2025, những kẻ lừa đảo sẽ có thêm sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ tiên tiến hơn như AI, DeepFake để giả mạo các dịch vụ công, các ứng dụng ngân hàng hay nền tảng tiền ảo. Do đó, chuyên gia cũng cảnh báo người dùng cần thận trọng hơn khi tham gia môi trường mạng.

Nguồn: VTV, tổng hợp