Yêu cầu quản lý và giới hạn giờ chơi game đối với trẻ em

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147 quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định 147 thay thế cho 2 Nghị định 72/2013 và 27/2018 với nhiều quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với việc cung cấp trò chơi điện tử (game), mạng xã hội cho trẻ em.

Nghị định 147 chính thức có hiệu lực từ 25/12/2024, điều này có nghĩa chỉ hơn 1 tháng nữa, các yêu cầu về việc giám sát trẻ chơi game, dùng mạng xã hội sẽ được triển khai.

Các nhà cung cấp game, dịch vụ Internet cần có biện pháp để quản lý thời gian chơi game của trẻ.

Nghị định 147 đưa ra các quy định chặt chẽ hơn với 11 điều kiện dành cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử. Theo đó, doanh nghiệp cần có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin của người chơi tại Việt Nam bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số điện thoại di động tại Việt Nam). Đáng chú ý, người chơi cần thực hiện việc xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam và nhà cung cấp game phải bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được tham gia chơi trò chơi.

Trong trường hợp người chơi dưới 16 tuổi thì cha/mẹ/người giám hộ đăng ký tài khoản bằng thông tin của mình, có trách nhiệm giám sát, quản lý con.

Nghị định 147 yêu cầu các nhà cung cấp game phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi, không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp.

Để đảm bảo, nhà cung cấp game cũng cần có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm hiển thị liên tục kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo và phát hành; có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi (nếu có) và trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong quá trình chơi trò chơi.

Sau khi đã có giấy phép cung cấp dịch vụ, các nhà cung cấp game cũng phải đảm bảo các điều kiện về nội dung của trò chơi, phân loại game theo lứa tuổi và đảm bảo không có các nội dung bạo lực, khiêu dâm…và phải quản lý được các nội dung mà người chơi trao đổi trong game.

Về phía các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng triển khai biện pháp bảo vệ trẻ em và giới hạn giờ chơi đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Trẻ muốn sử dụng mạng xã hội cần có cha mẹ xác thực và giám sát

Đối với việc sử dụng mạng xã hội, Nghị định 147 yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới phải lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam khi đăng ký tài khoản mạng xã hội (gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân).

Đối với trẻ dưới 16 tuổi muốn sử dụng dịch vụ mạng xã hội, cha/mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha/mẹ hoặc người giám hộ và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, Chủ tịch kiêm CEO SafeGate: Tình trạng nghiện game, nghiện mạng xã hội ở trẻ có gây ra những ảnh hưởng tiêu cực và rủi ro về sức khoẻ thể chất, tinh thần đối trẻ em. Đây cũng là vấn đề được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm trong thời gian qua. Việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà mạng phải xác thực, định danh tài khoản và có các biện pháp kỹ thuật để quản lý, giới hạn thời gian chơi game, sử dụng mạng xã hội mà Nghị định 147 nêu ra sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa và giải quyết được phần giảm thiểu được những rủi ro, nguy cơ từ không gian mạng với trẻ em.

Nghị định 147 không chỉ làm rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ với những nội dung, thông tin mà mình cung cấp cho khách hàng mà còn cho thấy trách nhiệm của các bậc cha mẹ trong quản lý và giám sát con em mình trong bối cảnh hiện nay.

Một điểm đáng lưu ý nữa ở Nghị định 147 đó là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm triển khai các giải pháp trên thiết bị truy cập mạng do doanh nghiệp cung cấp để bảo vệ người sử dụng không truy cập vào các nguồn thông tin vi phạm pháp luật, ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thông tin mạng; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Cục An ninh mang và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an). “Việc các nhà mạng trang bị giải pháp bảo vệ an toàn cho người dùng sẽ tạo ra những tác động tích cực khi các thông tin độc hại, lừa đảo có thể được chặn lọc từ đầu nguồn, góp phần bảo vệ đông đảo người dùng hơn so với trước đây, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi và tạo ra môi trường số lành mạnh, an toàn hơn”, ông Ngô Tuấn Anh nói thêm.