Sáng 17/3, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã chính thức phát động cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin” 2023 trên toàn quốc.
Đây là lần thứ hai cuộc thi "Học sinh với an toàn thông tin" được tổ chức với mục tiêu cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn, hiệu quả cho học sinh, phụ huynh học sinh trên cả nước. Đồng thời, tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.
Với sự bảo trợ của Bộ GD&ĐT; Bộ TT&TT; Bộ LĐ-TB&XH, cuộc thi "Học sinh với an toàn thông tin" có sự đồng hành của các doanh nghiệp. Trong đó, SafeGate là nhà tài trợ Vàng trong cuộc thi năm nay.
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết năm nay là năm bản lề triển khai thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”.
Chủ tịch VNISA cho biết, cùng với những lợi ích to lớn do Internet mang lại, những mối nguy hại đối với lứa tuổi học sinh cũng luôn hiện hữu trên môi trường mạng với nhiều hình thức khác nhau. Bởi vậy, hỗ trợ trẻ em học tập, giao tiếp, vui chơi hiệu quả, an toàn trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội.
“Đó cũng là lý do để chúng ta cùng tiếp tục chung tay tổ chức cuộc thi Học sinh với an toàn thông tin năm nay. Đây cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo đối với trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, ông Nguyễn Thành Hưng nói.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, hệ thống cuộc thi chính thức mở từ 15/3 - 5/4. Hiện đã có hơn 20.000 học sinh THCS đã đăng ký tham gia cuộc thi. Theo đó, các thí sinh dự thi trực tuyến qua website http://thihsattt.vn của Ban tổ chức. Mỗi thí sinh chỉ đăng ký một tài khoản để dự thi (theo mẫu đăng ký trên website). Đề thi gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm do hệ thống thi cung cấp ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi. Thời gian làm bài của thí sinh là 30 phút.
Nội dung đề thi là kiến thức phổ thông liên quan tới an toàn thông tin và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, từ vấn đề pháp lý, nhận diện các nguy cơ và các tình huống bảo đảm an toàn thông tin trên mạng.
Ngân hàng đề thi năm nay được xây dựng trên cơ sở chỉnh lý, bổ sung cơ sở dữ liệu đề thi năm 2022, với gần 300 câu hỏi mới. Ban tổ chức cuộc thi đã được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia thuộc các đơn vị phối hợp tổ chức và đã xây dụng được 1.018 câu hỏi trắc nghiệm trong cơ sở dữ liệu của đề thi.
Hiệp hội An toàn thông tin đã nâng cấp, hoàn thiện phần mềm thi trực tuyến của cuộc thi. Theo đó, các em học sinh sau khi đăng ký tài khoản, có thể tham gia thi thử để làm quen với dạng câu hỏi và cách làm bài thi.
Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào 14/4 và sẽ có 111 giải thưởng hấp dẫn dành cho các tập thể, cá nhân tham gia cuộc thi.
Ông Ngô Tuấn Anh, CEO Công ty An ninh mạng thông minh SCS (đơn vị phát triển SafeGate) - Nhà tài trợ vàng của cuộc thi cho biết:“Cùng với việc trang bị và tìm kiếm các giải pháp công nghệ để quản lý, bảo vệ trẻ em trên Internet thì việc nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các em khi tham gia môi trường mạng có ý nghĩa quan trọng. Do đó, Công ty An ninh mạng SCS luôn nỗ lực phát triển các giải pháp Internet an toàn để bảo vệ, tạo ra không gian mạng an toàn; và trên hết có thể đồng hành cùng các em trên môi trường mạnh”.
Chia sẻ tại lễ phát động, ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT cho biết đây là cuộc thi ý nghĩa là nhiệm vụ quan trọng mà Hiệp hội ATTT triển khai để thực hiện quyết định 830 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo lãnh đạo Cục ATTT, thống kê cho thấy 2022, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9 tuổi trong khi độ tuổi trung bình trẻ được trao đổi với an toàn thông tin mạng là 13 tuổi. "Bốn năm trẻ em Việt Nam tham gia tương tác sớm nhưng thiếu sự trao đổi về an toàn mạng là một thách thức dẫn đến rủi ro trên môi trường mạng của trẻ gia tăng. Do đó, cuộc thi giúp các em có nhận thức, kỹ năng về đảm bảo và có thể đào tạo được nguồn nhân lực ATTT", ông Trần Đăng Khoa cho hay.
Lãnh đạo Cục ATTT chia sẻ vừa qua, Cục đã phối hợp cùng Công ty An ninh mạng thông minh SCS, Sở TT&TT Yên Bái và UBND thị xã Nghĩa Lộ triển khai Internet an toàn tới 100% trường học trên địa bàn. Theo đó, Bộ giải pháp an toàn Internet trong trường học SafeGate School - một phần quan trọng trong chương trình, đã được đại diện Công ty SCS trao tặng cho các trường tại thị xã Nghĩa Lộ.
Nhờ áp dụng mô hình điện toán đám mây, bộ giải pháp cho phép các trường dễ dàng triển khai. Do đó, đơn vị cung cấp dịch vụ có thể hoàn thành triển khai tới toàn bộ 36 trường học tại Nghĩa Lộ trong tuần tới. Với bộ giải pháp này, gần 700 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và khoảng 14.000 học sinh sẽ được bảo vệ an toàn khi tham gia không gian mạng.