Thông tin được Trung tướng Nguyễn Minh Chính nêu ra tại tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân” do Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) tổ chức ngày 23/4.

Tọa đàm được tổ chức với mục tiêu tăng cường lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đồng thời góp phần trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và quyền riêng tư trong kỷ nguyên số. Đây cũng là hoạt động góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5 năm 2025. Luật dự kiến có hiệu lực từ tháng 1 năm 2026.

Bảo vệ dữ liệu cá nhânPhát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Phó Chủ tịch thường trực NCA đã nhấn mạnh về tính cấp bách của việc xây dựng và hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ông Chính phân tích, trong bối cảnh hiện nay, mức độ phổ biến của dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu cá nhân không được bảo vệ tương xứng, đúng cách. Trong khi đó, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn hạn chế; nhiều thông tin sinh trắc học, lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính được đăng tải công khai, trở thành nguồn dữ liệu cho các chương trình thu thập thông tin tự động.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục A05, Bộ Công an

Theo lãnh đạo A05: Tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng thường xuyên diễn ra.Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiều dịch vụ trên không gian mạng mới xuất hiện, có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích thông tin, dữ liệu cá nhân nhưng không có cơ chế quản lý dữ liệu người dùng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, ông Nguyễn Minh Chính nói.

Những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp bách xây dựng và hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân. Đồng thời thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân; phát triển kinh tế xã hội, tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động kinh doanh có liên quan tới dữ liệu cá nhân; hạn chế tiến tới khắc phục tình trạng dữ liệu cá nhân đang bị mua bán, lộ, mất tràn lan; đồng thời cũng giúp nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay.

Lãnh đạo A05 cho biết trên thế giới đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việt Nam cũng không thể chậm trễ hơn trong việc ban hành Luật, Bộ Công an đã khẩn trương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tháng 5/2025.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Thiếu tá Đào Đức Triệu, đại diện Ban soạn thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Tại tọa đàm, Thiếu tá Đào Đức Triệu, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn Chính sách và Pháp luật, đại diện Ban soạn thảo đã trình bày những nội dung trọng tâm trong Dự thảo, bao gồm: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc xử lý dữ liệu cá nhân, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu, cơ chế xử lý vi phạm và bảo đảm quyền riêng tư trong môi trường số. Bài trình bày cũng làm rõ định hướng xây dựng luật trên tinh thần tiếp nối Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, nhưng ở cấp độ cao hơn, đồng bộ và mang tính nền tảng.

Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu cũng được lắng nghe những tham luận chuyên sâu đến từ đại diện các tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, đại diện Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển đưa ra kiến nghị về hoàn thiện pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân từ góc độ nghiên cứu và so sánh quốc tế; đại diện Viettel đề cập đến những khó khăn và đề xuất hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp viễn thông trong quá trình triển khai Luật; đại diện Công ty VNDS trình bày kinh nghiệm thực tiễn trong tuân thủ các yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân tại doanh nghiệp công nghiệp.

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 7 chương, với 69 điều quy định đầy đủ về nguyên tắc xử lý dữ liệu, quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu và bên liên quan, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, đánh giá tác động dữ liệu, xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu, xử lý vi phạm và cơ chế kiểm tra, giám sát. Dự luật cũng đề xuất điều chỉnh cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu công dân Việt Nam.

Theo Vietnamnet