"Sinh viên ngành an toàn thông tin cần tích luỹ kinh nghiệm thực tế thay vì chỉ học lý thuyết"

Chiều 27/3, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức hội thảo: “An ninh mạng trên không gian số - xu hướng và cơ hội” với sự góp mặt của ông Ngô Tuấn Anh – CEO Công ty An ninh mạng thông minh SCS (đơn vị phát triển giải pháp SafeGate) và chuyên gia Ngô Minh Hiếu (tức Hiếu PC).

Sinh viên an toàn thông tin cần rèn luyện kiến thức nền tảng và tích luỹ kinh nghiệm

Trả lời câu hỏi sinh viên lựa chọn ngành an toàn thông tin nên trang bị kiến thức quan trọng nào để mở rộng cơ hội của mình, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng, ở bất kỳ một lĩnh vực nào thì kiến thức nền tảng cũng rất quan trọng. Do đó, một trong những yếu tố cần thiết đó là học vững các môn nền tảng trong nhà trường. 

Ông Ngô Tuấn Anh - CEO Công ty An ninh mạng SCS tại hội thảo: “An ninh mạng trên không gian số - xu hướng và cơ hội”. Ảnh: PTIT

“An ninh bảo mật yêu cầu kiến thức rộng (chẳng hạn về hạ tầng, networking, cơ sở dữ liệu, lập trình, web, mã hoá…) nên cần các kiến thức nền tảng vững chắc. Trong một cuộc tấn công phức tạp hiện nay, các hacker sử dụng nhiều cách khác nhau để tấn công hệ thống, do đó, để trở thành một chuyên gia an ninh mạng thì chúng ta phải có kiến thức rộng về tất cả các mảng khác nhau”, ông Ngô Tuấn Anh cho biết.

Mang đến lời khuyên cho các bạn sinh viên muốn trở thành các chuyên gia an ninh mạng, CEO SCS cho rằng ngoài việc học kiến thức trong nhà trường thật tốt, các bạn sinh viên nên tham gia vào một công ty chuyên về an ninh mạng để có cơ hội cọ sát với các dự án cụ thể để được đào tạo. Thay vì chỉ ngồi nghe hướng dẫn lý thuyết thì có thể được tham gia trực tiếp vào các công việc cụ thể. Theo đánh giá, một bạn sinh viên được tham gia vào các chương trình vừa học vừa làm, khi ra trường có thể bằng một người đi làm có kinh nghiệm từ 4  - 5 năm. 

Hai chuyên gia với đại diện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: PTIT

“Trong lĩnh vực an toàn thông tin, khi đi thực tập các bạn đừng từ chối bất cứ việc nào được giao. Bởi càng làm nhiều chúng ta càng rút được nhiều kinh nghiệm. Đây chính là giá trị lớn nhất”, vị chuyên gia này cho hay.

Ông Ngô Tuấn Anh cũng chia sẻ hiện nay, các bạn sinh viên ngành an toàn thông tin có thuận lợi đó là có nhiều công ty trong lĩnh vực an toàn thông tin để lựa chọn thực tập và trau dồi các kinh nghiệm. Các doanh nghiệp như SCS luôn mở rộng cửa chào đón các bạn sinh viên thực tập tại Công ty với nhiều vị trí, để mở rộng cơ hội cho mình. 

Ngoài ra, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng việc rèn luyện tư duy logic với sinh viên học an toàn thông tin cần được chú trọng bởi lĩnh vực kỹ thuật cũng phản ánh mọi mặt của đời sống hàng ngày. “Trong lĩnh vực nào khi tìm hiểu đủ sâu và có đủ logic rồi thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều”,ông Ngô Tuấn Anh nói.

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia Hiếu PC cho rằng, khi học về lĩnh vực an toàn thông tin, ngoài kiến thức chung rộng thì tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ quan trọng mà các bạn sinh viên cần chú trọng và trau dồi để có được cơ hội việc làm tốt hơn. 

An ninh mạng phải dễ tiếp cận và dễ ứng dụng

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia an ninh mạng Ngô Tuấn Anh và Hiếu PC đã mang tới những góc nhìn về xu hướng an ninh mạng mới. Theo ông Ngô Tuấn Anh, các giải pháp an ninh mạng hiện nay thường được áp dụng cho khối chính phủ, doanh nghiệp lớn hay các tổ chức tài chính có điều kiện tài chính và nhân sự để đảm bảo cho an toàn an ninh mạng. Nhưng thực tế cho thấy, các vụ tấn công mạng hiện nay lại nhắm đến những người dùng cuối, ở gia đình hay các công ty nhỏ không có điều kiện trang bị về kỹ thuật.

Ông Ngô Tuấn Anh dẫn số liệu, Việt Nam hiện có 27 triệu hộ gia đình trong đó hơn 20 triệu hộ có cáp quang; cùng với đó, trên 97% doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Ngô Tuấn Anh đánh giá, dù các nhóm người dùng này đang có nhu cầu rất lớn nhưng lại đang gặp phải nhiều rào cản về chi phí và nhân sự vận hành chuyên nghiệp.“Các hộ gia đình và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều kinh phí để trang bị giải pháp ATTT cũng như người quản trị mạng cho hệ thống”, ông Ngô Tuấn Anh nói.

Ông Ngô Tuấn Anh giải đáp nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên ngành an toàn thông tin. Ảnh: PTIT

CEO SafeGate cho rằng, cần phải có hướng tiếp cận để giải quyết vấn đề an toàn thông tin cho toàn xã hội, trong đó tập trung vào người dân, gia đình và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, cần tiếp cận theo hướng chuyển đổi số trong an ninh mạng để có một giải pháp hiệu quả mà vẫn đảm bảo được các yêu cầu giá thành hợp lý, dễ triển khai và dễ sử dụng.

Theo ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ, với cách tiếp cận này, Công ty An ninh mạng thông minh SCS đã phát triển giải pháp Internet an toàn SafeGate theo mô hình cloud. “Mô hình triển khai bao gồm thiết bị để kiểm soát cổng vào ra; hệ thống cloud security và người dùng chỉ cần sử dụng đơn giản qua một ứng dụng trên điện thoại di động”.

Hệ thống Safegate Cloud hiện nay có kênh kết nối trực tiếp đến Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và có thể chặn lọc các địa chỉ lừa đảo; đồng thời tự động chặn lọc các nội dung không phù hợp đối với trẻ nhỏ hay kiểm soát được các ứng dụng không mong muốn. Với mô hình mới, việc triển khai SafeGate đến người dùng cũng được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng về mặt kỹ thuật. 

Hình ảnh triển khai SafeGate School tại Nghĩa Lộ, Yên Bái

Vừa qua, Công ty An ninh mạng SCS đã phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Sở TT&TT Yên Bái triển khai chương trình “Phòng học Internet an toàn” cho toàn bộ 36 trường học trên địa bàn Thị xã Nghĩa Lộ bằng giải pháp SafeGate School.

Sau thời gian khảo sát và đánh giá, SafeGate School đã được đội ngũ kỹ thuật của SafeGate phối hợp với lực lượng địa phương hoàn thành triển khai lắp đặt chỉ trong vòng 1 ngày.

“Việc triển khai hệ thống đảm bảo an toàn Internet ở 36 trường học trên địa bàn Thị xã Nghĩa Lộ đã được triển khai nhanh chóng nhờ ứng dụng mô hình mới. Chỉ Sau 1 ngày, hệ thống SafeGate đã bảo vệ 800 máy tính trong các trường học trên địa bàn Thị xã. Cùng với đó, 14.000 học sinh và 700 cán bộ, giáo viên tại Nghĩa Lộ đã được sử dụng Internet an toàn. Đây là hướng tiếp cận được đánh giá là xu hướng để có thể phổ cập Internet an toàn cho người dân Việt Nam”, ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ.

Safegate.vn

5 / 5 (1Bình chọn)