"Cuộc chiến" của những gia đình có con nghiện game

Trẻ nghiện game, nghiện mạng xã hội, sử dụng Internet quá nhiều luôn là vấn đề đau đầu của mỗi gia đình khi con có thể gặp các vấn đề về sức khoẻ, tâm lý, học tập và giao tiếp xã hội. Cha mẹ cần có công cụ để quản lý sử dụng và hơn hết là đồng hành cùng con trên môi trường Internet.

Bài viết dưới đây được đăng tải trên Vnexpress.

Lắp camera, thu điện thoại, cài mật khẩu máy tính, đánh mắng, vợ chồng anh Đức Anh vẫn không thể ngăn cậu con trai tìm đến game, thậm chí trở nên lì lợm hơn.

Nhận thấy các biện pháp cứng rắn không hiệu quả, anh Đức Anh (38 tuổi) ở Nam Từ Liêm, Hà Nội dỗ dành cậu con trai 12 tuổi mỗi tối không chơi game sẽ được thưởng 50.000 đồng bỏ lợn đất. Thấy con gật đầu, anh chị tưởng thế là xong nhưng nửa đêm chị Trúc dậy thấy con đang đeo tai nghe, miệng chửi thề, tay bấm phím, mắt dán màn hình.

Họ đánh con một trận thật đau lúc nửa đêm.

Hôm sau, họ âm thầm lắp camera trong phòng và phát hiện 2h sáng con vẫn nằm yên trên giường, chăn đắp kín nhưng điện thoại phát sáng bên trong. Cặp vợ chồng quyết định tịch thu điện thoại, đổi mật khẩu máy tính nhưng nửa đêm, bố mẹ ngủ say, cậu bé lén lấy điện thoại, bằng cách nào đó đã dò được mật khẩu để mở máy, chơi đến 4h sáng lặng lẽ mang trả lại chỗ cũ.

Sáng hôm sau, kiểm tra camera vợ chồng anh Đức Anh lại đánh con một trận.

Không chơi được ở nhà, cậu bé trốn học ra quán game gần trường. Bố mẹ không cho cậu tự đi xe đạp đến trường nữa, thay nhau đưa đón, giao tận tay cô giáo.

Tưởng đã chặn được mọi ngả tìm đến game online, mấy hôm sau anh Đức Anh phát hiện con đã có điện thoại mới để chơi. Hóa ra cậu bé đã khoét một lỗ nhỏ dưới bụng chú lợn đất nuôi bốn năm trước lấy tiền mua điện thoại.

"Chúng tôi đã hết cách", Đức Anh nói.

Chị Phạm Kiều Nguyên (40 tuổi, ở Hà Nội) cũng nhức đầu với tình trạng chơi game thâu đêm suốt sáng của con trai. "Tôi lúng túng kinh khủng. Càng cấm con càng nói dối", chị kể về con trai lớp 8. Có lần chị đã thẳng tay đập nát chiếc laptop vì thấy con lén chơi game.

Người mẹ kể dù có dùng mọi biện pháp ngăn chặn, nổi xung lên con chỉ im lặng, không khóc cũng không cãi một câu nhưng vẫn chơi game. Chị cảm thấy được chia sẻ đôi chút khi thấy khảo sát mới nhất (năm 2020) của Bệnh viện Nội tiết trung ương ghi nhận hơn một nửa trẻ em chơi game, trong đó trên 34% chơi hơn một giờ mỗi ngày. 

Trong khảo sát của PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục - ĐH quốc gia Hà Nội) phục vụ nghiên cứu "Vấn đề hành vi trên lớp của học sinh, hệ lụy từ việc chơi game", 76% trẻ chơi bất kể khi nào rảnh, 36,8% chơi trước giờ ăn cơm, 34,6% chơi sau giờ ăn. Có khoảng 3,8% trẻ chơi trong giờ học (trốn đi chơi).

Tháng 6/2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức bổ sung chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế (ICD). Theo WHO, nghiện game là một bệnh về tâm thần.

Thống kê của WHO cho hay có tới 70-80% trẻ em 10-15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ bị nghiện chiếm khoảng 10-15%. Nghiện game có thể gây ra những triệu chứng của một số bệnh tâm thần khác như trầm cảm hoặc lo âu.

Chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng có ba nguyên nhân cơ bản khiến trẻ mê game: Được tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá sớm; Cha mẹ cho con hưởng thụ quá nhiều, nhưng trách nhiệm quá ít khiến trẻ nhàm chán nên tìm đến game như một hình thức giải trí và cuối cùng là do bố mẹ thấy con có nhiều nguy cơ nghiện game nhưng không can thiệp kịp thời.

Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Lệ Thủy (Trung tâm phát triển kỹ năng thanh thiếu nhi) trẻ say mê game vì thích cảm giác thỏa mãn sau khi chiến thắng trong game, do não tiết ra chất hưng phấn. Ở độ tuổi tiền dậy thì và dậy thì, trẻ cũng thích thể hiện bản thân mà game lại là trò chơi thỏa mãn cảm xúc đó.

Anh Đức Anh thừa nhận không dành đủ thời gian cho con. Anh ở công ty cả ngày lẫn đêm trong thời gian Covid-19 bùng phát, vợ anh vừa chăm con nhỏ, vừa làm việc online. Con trai bỗng trở nên đơn độc, phải độc lập nhiều hơn trong học tập và sinh hoạt. Không được ra ngoài với các bạn, lại phải học online trên màn hình máy tính cả ngày, cậu bắt đầu chơi game. Chỉ đến khi thành tích của con sa sút, lúc nào cũng lờ đờ, đến bữa ăn vội vàng để vào phòng ôm máy tính, vợ chồng mới tá hỏa.

"Khi cuộc sống trở lại bình thường thì con không còn bình thường nữa", người cha thừa nhận.

Chị Kiều Nguyên cũng cho biết con trai chị từng rất ý thức về tác hại của điện thoại, máy tính, bữa cơm mà mọi người xem TV là con sẽ bắt tắt, bảo vừa ăn 'vừa xem điện thoại đau dạ dày'. Nhưng năm con học lớp 6, chị chuyển việc, phải đi công tác liên tục nên không trò chuyện, gần gũi con, khiến bé dần sa đà vào game.

Chuyên giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, phải hiểu nguyên nhân con vì sao nghiện game để tìm ra giải pháp phù hợp. Đánh mắng, cấm đoán, kiểm soát sẽ chỉ làm cuộc chiến giữa cha mẹ và con cái căng thẳng hơn.

Đồng quan điểm, bà Lệ Thủy khẳng định cấm đoán chỉ khiến con ức chế, bất mãn và thiếu hợp tác. "Giống như bạn ném một quả bóng cao su vào tường, nó sẽ bật trả lại về phía bạn", bà nói.

Theo các chuyên gia, cha mẹ nên chọn lọc tựa game lành mạnh hơn để con chơi và giảm thời gian chơi từ từ, đồng thời phân cho con trách nhiệm, cho con tham gia các hoạt động để trở nên bận rộn.

"Hãy bình tĩnh, nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Rèn cho con những thói quen mới, những sở thích mới để trẻ không còn xem game là số một nữa", bà Vũ Thu Hương nói. Muốn vậy, theo chuyên gia, cha mẹ buộc phải dành thời gian nhiều hơn cho con.

Khi được tư vấn từ chuyên gia, vợ chồng anh Đức Anh xây dựng lại thời gian biểu cho cả nhà. Lịch học, vui chơi, tham gia hoạt động tình nguyện của con trai gần như kín để giảm bớt thời gian chơi game. "Tôi cho con chơi vài tựa game đã thống nhất từ trước, nhưng chỉ một tiếng mỗi ngày và hai tiếng vào cuối tuần, thay vì cấm hoàn toàn", anh nói.

 Chị Kiều Nguyên và con trai. Ảnh: Vnexpress

Chị Kiều Nguyên bỏ bớt công việc, không còn nổi nóng với con mà chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Mỗi ngày, chị cho con dùng máy tính tùy ý, nhưng kèm điều kiện khác và tìm lý do cắt giảm thời gian chơi của con. "Tôi lành tính hơn, yêu con và yêu bản thân mình, nhẹ nhàng chứ không cáu gắt. Chỉ ngồi cạnh khuyên giải chứ không cấm đoán", chị kể.

Đến nay, dù không thể bỏ hẳn nhưng con trai chị Kiều Nguyên đã biết tự kiểm soát giờ chơi game như một hình thức giải trí để không ảnh hưởng việc học và không khiến mẹ phiền lòng.

Các ông bố, bà mẹ đều nhận ra, nguyên nhân con nghiện game đều do mình nên trước hết, cha mẹ mới là người cần thay đổi. "Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình", họ đều chiêm nghiệm như vậy.

Theo Vnexpress

Bố mẹ có thể tìm đến các giải pháp công nghệ để quản lý, giới hạn thời gian sử dụng Internet của con:

...SafeGate Family là giải pháp quản lý Internet giúp cha mẹ có thể quản lý, giới hạn thời gian sử dụng Internet của con theo từng thiết bị con sử dụng mà không cần cài đặt trên máy của con. SafeGate cho phép bố mẹ giới hạn thời gian sử dụng Game của con; chặn theo thời gian hoặc chặn hoàn toàn các game đang phổ biến tại Việt Nam như: Liên quân, Liên minh huyền thoại, Roblox, Pubg mobile...

SafeGate Family cung cấp báo cáo chi tiết về tình hình sử dụng Internet tính năng quản lý thời gian sử dụng. Bố mẹ có thể lên lịch cho phép con chơi Game trong 1 khung giờ nhất định để hỗ trợ bố mẹ kiểm soát con cân bằng giữa học tập và giải trí thông qua việc điều chỉnh hợp lý thời lượng sử dụng Internet.

Để được tư vấn và lắp đặt ngay với giá chỉ từ 45.000 đồng/tháng, bạn chỉ cần liên hệ:

- Điện thoại: 1900 3250

- Website: safegate.vn

 

 

5 / 5 (1Bình chọn)